Quỳnh Chi, phóng viên RFA, Bangkok 2012-12-10
Ngày 10 tháng 12 hằng năm được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày Quốc tế Nhân quyền. Nhân ngày này, nhiều người trong nước chia sẻ với đài RFA về suy nghĩ, nguyện vọng của họ.Nhân quyền tại VN mang tính lý thuyết hơn thực tế
Nói chuyện với đài RFA nhân ngày Quốc tế Nhân quyền, MS Nguyễn Hồng Quang (cố vấn ban điều hành tổng giáo hạt Mennonite) nói rằng ông luôn theo dõi vấn đề nhân quyền trên thế giới và tại Việt Nam. Ông cho rằng nhân quyền Việt Nam được ghi nhận trên hiến pháp năm 1946 – là hiến pháp mà các hiến pháp thay đổi sau này cũng theo tinh thần đó. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng vấn đề thực hiện trong thực tế thì “còn khập khiểng”.
Cùng ý kiến với MS Nguyễn Hồng Quang, blogger Nguyễn Anh Dũng cho rằng nhân quyền tại Việt Nam mang tính lý thuyết hơn thực tế:
“Theo lý thuyết và báo chí Việt Nam thì họ nói là nhân quyền Việt Nam được đảm bảo. Trong Sách Trắng 2005 của Bộ Ngoại giao Việt Nam thì cũng nêu lên nhiều điều tốt đẹp về nhân quyền Việt Nam. Nhưng đó chỉ là cách nói. Trăm nghe không bằng một thấy. Thực ra nhân quyền ở Việt Nam gần như bị bỏ rơi”.
Theo lý thuyết và báo chí Việt Nam thì họ nói là nhân quyền Việt Nam được đảm bảo. Trong Sách Trắng 2005 của Bộ Ngoại giao Việt Nam thì cũng nêu lên nhiều điều tốt đẹp về nhân quyền Việt Nam. Nhưng đó chỉ là cách nói. Trăm nghe không bằng một thấyTừng là giảng viên lâu năm của trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội và cũng từng là cựu chiến binh Việt Nam, ông Dũng cho biết mình luôn trăn trở với những vấn đề của xã hội và đất nước. Ông chọn cách trở thành một blogger để có thể cùng với các ngòi bút khác phản ánh một cách thực tế và gần gũi tình trạng đất nước, trong đó có tình trạng nhân quyền. Ông phàn nàn rằng mặc dù vấn đề nhân quyền là thuộc phạm vi toàn cầu, được các công ước Liên Hiệp Quốc công nhận nhưng thông tin về ngày này lại không được nhắc đến nhiều trên các phương tiện
blogger Nguyễn Anh Dũng
truyền thông Việt Nam. Ông tỏ thái độ bức xúc và cho rằng những phản ánh của người dân cần được tôn trọng:
“Blogger chúng tôi cũng có những trăn trở bởi đôi khi ý kiến chúng tôi không trùng với ý những người cầm quyền nên đôi khi sẽ gặp khó khăn. Những gì chúng tôi viết đều là công khai. Nếu chính quyền thấy chưa đúng thì đối thoại. Nhưng những tâm tư của chúng tôi đối với đất nước thì phải được tôn trọng”.
“Nhân ngày QTNQ, tôi mong sao nhân quyền được tôn trọng ở mọi nước mọi nơi, đặc biệt là Việt Nam”.
Thời gian gần đây, chính phủ Việt Nam bị quốc tế và người dân trong nước chỉ trích vì nghị định mới về quản lý internet mà nhiều người cho rằng thắt chặt hơn và nhắm cộng đồng mạng cùng giới blogger.
Không chỉ giới blogger mới lên tiếng chỉ trích tình trạng nhân quyền Việt Nam, Linh mục Đinh Hữu Thoại, thuộc Dòng chúa Cứu thế nói rằng trong lúc trên thế giới diễn ra những hoạt động cho ngày nhân quyền thì tại Việt Nam, hành động đàn áp người biểu tình hôm Chủ nhật vừa qua là một biểu hiện của việc vi phạm nhân quyền.
“Về tự do tôn giáo thì ngày càng trầm trọng hơn”, ông nói.
Vị Linh mục này phàn nàn rằng Nghị định Chính phủ số 92 về Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, ký hôm 8.11.2012 có những điều khoản khắt khe hơn nghị định cũ và hạn chế hoạt động của cộng đồng Công giáo nói riêng và tôn giáo nói chung.
Linh mục Đinh Hữu Thoại cho rằng giáo hội không được tự do bổ nhiệm giám mục trong khi vấn đề nhân sự lẽ ra phải hoàn toàn phụ thuộc vào giáo hội. Ông nói thêm rằng đối với giáo dân vùng sâu vùng xa đặc biệt là vùng miền núi thì việc hành đạo gặp rất nhiều khó khăn bởi chính quyền can thiệp.
Nhân quyền tại Việt Nam đang đi thụt lùi
Chính phủ Việt Nam thường lên tiếng bác bỏ những đánh giá tiêu cực của U ̉y ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa kỳ về tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam cũng như bác bỏ những chỉ trích của quốc tế cho rằng tình trạng nhân quyền Việt Nam tồi tệ.
Theo số liệu thống kê, 6 tôn giáo lớn gồm Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo, Hồi giáo có số tín đồ lên tới hơn 20 triệu người, bằng ¼ dân số Việt Nam. Tuy nhiên, con số này dường như chưa đủ gây ấn tượng với những nhà hoạt động tôn giáo không chịu sự quản lý của Nhà nước. Ông Võ Văn Thanh Liêm, trụ trì Quang Minh tự ở Chợ Mới, An Giang nhận xét:
Tôi mong quốc tế hãy làm sáng tỏ tình trạng nhân quyền Việt Nam. Người Việt Nam đang khao khát nhân quyền cũng như một người đang khát nước“Tự do của ĐCSVN thì người nào theo Đảng là tự do còn không thì mất tự do”.
Ông Võ Văn Thanh Liêm
Vị trụ trì này cho biết, ông bị đi tù ba lần tổng cộng 13 năm và bị bắt và tha 30 lần mà nguyên nhân sâu xa là vì muốn giữ sự thuần túy của Phật giáo Hòa hảo. Hiện ông cũng bị cô lập không cho tiếp xúc với đa số các huynh đệ tu hành khác. Ông cho rằng ngày Quốc tế Nhân quyền là ngày ông kêu gọi quốc tế quan tâm và làm sáng tỏ tình trạng nhân quyền Việt Nam:
“Tôi mong quốc tế hãy làm sáng tỏ tình trạng nhân quyền Việt Nam. Người Việt Nam đang khao khát nhân quyền cũng như một người đang khát nước”.
Tháng trước, Phó GĐ phụ trách khu vực Châu A´ của tổ chức Human Rights Watch – ông Phil Robertson vừa viết bài viết so sánh tình trạng nhân quyền của Việt Nam và Miến Điện – quốc gia một thời bị đánh giá là một trong những nơi có tình trạng nhân quyền tồi tệ nhất khu vực; trong đó ông cho rằng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đang đi thụt lùi. Những người quan tâm đến nhân quyền cho rằng để ngăn chặn tình trạng xuống dốc, cần cải thiện nhân quyền Việt Nam. LM Đinh Hữu Thoại khuyến nghị:
“Công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật. Không thể áp dụng một luật khác nữa lên người Công giáo hay người có tôn giáo. Những luật đó tôi mong phải bỏ đi. Thêm nữa, những ban giám sát tôn giáo nên bỏ đi vì không cần thiết. Lúc đó chúng tôi mới có thể tự do được”.
LM Đinh Hữu Thoại nhấn mạnh, những qui định như Nghị định 92 làm ông có cảm giác rằng điều này không công bằng cho những người có tôn giáo khi họ bị chi phối bởi nhiều luật hơn một công dân bình thường. Còn MS Nguyễn Hồng Quang thì đề nghị một ý kiến khác:
“Tòa bảo hiến là một bước về cơ sở pháp lý và những người thụ hưởng nhân quyền phải đấu tranh đòi nhân quyền. Thứ ba cần nhận thức hiểu tầm quan trọng của nhân quyền để từ đó đấu tranh. Kể cả những người làm chính quyền họ cũng cần nhân quyền cho họ”.
“Tôn trọng nhân quyền là xu thế của văn hóa, lương tâm nhân loại nên chúng tôi đặt nhiều hy vọng mặc dù trong bối cảnh trong nước chúng tôi gặp nhiều áp lực để thực hiện quyền công dân. Tôi cho rằng chế độ một đảng tại Việt Nam cuối cùng rồi cũng đi theo xu thế đó. Tôi hy vọng thế”.
Nhiều tổ chức quốc tế, các tôn giáo, và những người quan tâm đến chính trị tại Việt Nam vẫn lên tiếng nói rằng quyền con người không được tôn trọng tại Việt Nam. Phía Chính phủ Việt Nam cho rằng những thành phần này là “không thân thiện”. Mới đây, Việt Nam cũng lên tiếng phản bác lại Dự luật Nhân quyền Việt Nam mà Hạ viện Hoa Kỳ biểu quyết thông qua hôm 11 tháng 9, nhấn mạnh rằng Quốc hội Hoa Kỳ có cái nhìn sai lệch về tình trạng nhân quyền Việt Nam.
__________________
No comments:
Post a Comment