Pages

Saturday, November 17, 2012

Việt Nam Tuần Qua

FRA - Động đất mạnh chưa từng thấy ở Sông Tranh 2, Việt Nam muốn gộp chung hai chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước thành một như ở Trung Quốc, lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam bị công khai kêu gọi từ chức; là những đề tài thời sự đang tạo nhiều chú ý ở Việt Nam.
AFP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội hôm 22/10/2012 tại Hà Nội.

Văn hóa từ chức

Một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội vừa xảy ra tại Việt Nam tuần này: Lần đầu tiên trong hơn 70 năm kể từ ngày đảng Cộng sản Việt Nam lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, tại một diễn đàn công khai, được truyền hình trực tiếp trên cả nước, một đại biểu quốc hội thẳng thắn đề nghị Thủ tướng hãy từ chức thay vì chỉ xin lỗi vì những trách nhiệm trong việc điều hành đất nước.
Lên tiếng trong phiên chất vấn Thủ tướng trước diễn đàn Quốc hội hôm thứ Tư 14 tháng 11, Đại biểu Dương Trung Quốc thuộc đơn vị Đồng Nai, nêu thẳng vấn đề:
Thứ hai, thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức, để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?
ĐB Dương Trung Quốc
“Kính thưa Thủ tướng, tóm lại xin có 2 câu hỏi. Một, thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng, mình đã nặng trách nhiệm với đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân. Thứ hai, thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức, để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không? Xin cám ơn thủ tướng. Cám ơn quốc hội.”
Đáp lại đề nghị của Đại biểu Dương Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không đưa ra câu trả lời trực tiếp, mà chỉ cho biết bản thân ông là một đảng viên trung kiên, theo đảng từ năm mới chưa đầy 12 tuổi, vì vậy ông chỉ tuân thủ theo mọi quyết định của đảng, chứ bản thân không hề thoái thác hay yêu cầu được đảm nhận bất cứ một chức vụ nào:
“Đối với tôi, hôm nay còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo đảng hoạt động cách mạng, chịu sự quản lý trực tiếp của đảng. Trong 51 năm qua, tôi không có xin với đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Và mặt khác, tôi cũng không từ chối, không có thối thoát bất cứ nhiệm vụ gì mà đảng và nhà nước giao phó cho tôi.”

Sông Tranh 2: động đất ngày càng nguy hiểm


Người dân thị trấn Bắc Trà My hoản loạn bỏ chạy ra khỏi nhà khi động đất
Người dân thị trấn Bắc Trà My hoản loạn bỏ chạy ra khỏi nhà khi động đất
Ngoài chuyện trách nhiệm của chính phủ và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc điều hành nền kinh tế quốc gia, một vấn đề thời sự khác cũng được nêu ra trong các phiên chất vấn tại quốc hội; đó là yếu tố an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2, và liệu có nên tiếp tục đưa công trình thủy điện này vào khai thác sử dụng khi mà tình trạng động đất vẫn tiếp tục xảy ra với mật độ ngày càng nhiều và cường độ mỗi lúc một lớn hơn?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội - Hòa thượng Thích Thanh Quyết về giải pháp của chính phủ nhằm khắc phục những khuyết điểm của một số dự án thủy điện đang gây rất bức xúc cho người dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định:
“Đến hôm nay, các chuyên gia chuyên ngành trong nước, cả hai công ty tư vấn hàng đầu của Nhật Bản, Thụy Sĩ cũng báo cáo khẳng định đập Thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn. Các cơ quan chức năng (Bộ Công thương, Xây dựng, KH&CN, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Viện Vật lý địa cầu - thuộc Viện KHXH Việt Nam) cũng đều báo cáo Thủy điện Sông Tranh 2 an toàn.”
Nhưng chỉ chưa đầy nửa ngày sau các tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Hà Nội, thì ngay tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 lại xảy ra một trận động đất được cho là lớn nhất từ trước đến nay.
Vào khoảng 2 giờ 24 phút chiều thứ Năm 15 tháng 11, một trận động đất có cường độ 4,7 độ Richter gây chấn động cả một khu vực rộng lớn từ tâm chấn ở Bắc Trà My, lan ra đến các một khu vực rộng lớn; thậm chí tận thành phố Quảng Ngãi ở phía Nam cũng bị ảnh hưởng của động đất.
Theo tường thuật của người dân cũng như chính quyền địa phương, trận động đất lần này rất mạnh, gây ra tiếng nổ lớn và khiến cho nhà cửa rung lắc kéo dài.
Các cơ quan chức năng (Bộ Công thương, Xây dựng, KH&CN, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Viện Vật lý địa cầu - thuộc Viện KHXH Việt Nam) cũng đều báo cáo Thủy điện Sông Tranh 2 an toàn.
TT Nguyễn Tấn Dũng
Báo chí trích lời nhân chứng, mô tả một khung cảnh hãi hùng ở huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam, theo đó từ lòng đất phát ra tiếng nổ đùng đùng, mặt đất chao đảo, mọi người nháo nhào bỏ chạy. Cùng lúc, tiếng khóc thét của học sinh ở các trường học, tiếng la hét thất thanh của người dân chạy ra khỏi nhà càng làm nỗi sợ hãi về động đất lên đến cực độ.
Không chỉ người dân huyện Bắc Trà My nghe rung lắc mà người dân các huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Núi Thành và cả TP Tam Kỳ - Quảng Nam cách thủy điện Sông Tranh 2 khoảng hơn 100 km cũng cảm nhận được động đất kèm theo tiếng nổ lớn.
Sau vài trăm trận động đất từ khi có Thủy điện Sông Tranh 2, chính quyền địa phương cũng cho thấy sức chịu đựng đã tới hạn. Lên tiếng trên Đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Thế Tài, bí thư Huyện ủy Huyện Bắc Trà My phát biểu:
“Chúng tôi có ý kiến là, làm gì thì làm phải tuyệt đối an toàn trước đã, an toàn tính mạng của nhân dân.”
Trả lời Nam Nguyên tối 15 tháng 11, GSTS Nguyễn Thế Hùng giảng dạy tại khoa xây dựng thủy điện thủy lợi Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cũng có cùng quan điểm:
“Trách nhiệm của các nhà khoa học là phải nói lên tiếng nói trung thực để từ đó Nhà nước, các cơ quan hữu trách họ nghe thấy tiếng nói trung thực đó để tìm ra nguyên nhân tháo gỡ những khó khăn. Bây giờ thủy điện bỏ ra số tiền lớn với mục đích thu lại lợi nhuận, nhưng các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng thấy nó nguy hiểm thì cũng phải bỏ chứ không có cách gì khác. Bởi vì tính mạng con người là quan trọng bậc nhất chứ không thể làm ra để lấy tiền rồi gây thiệt hại sinh mạng người dân. Sinh mạng là quí nhất, công trình xét thấy cần bỏ là phải bỏ.”

Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu cho du học


000_Hkg4777268-250.jpg
Nhân viên của trường Washington State University đang tư vấn cho một SV VN tại Hội chợ Giáo Dục Hoa Kỳ tại HN hôm 8/4/2011. AFP photo
Và cuối cùng, hiện có tới 15 ngàn 572 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường Cao đẳng và Đại học ở Hoa Kỳ.
Thông cáo báo chí do Tòa Đại sứ Việt Nam tại Hà Nội phổ biến hôm thứ Năm tuần này cho biết, số lượng sinh viên Việt Nam hiện đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học của Hoa Kỳ năm học 2011-2012 đã tăng 4.6%, từ 14.888 lên 15.572 sinh viên. Và đây là năm tăng trưởng thứ 12 liên tiếp số lượng sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học.
Phát biểu nhân dịp công bố báo cáo Open Doors năm nay và những tác động tích cực từ việc sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học và cao đẳng của Hoa Kỳ, ông Christopher Hodges - Tham tán văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói rằng:
“Hoa Kỳ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho sinh viên Việt Nam vì chất lượng, danh tiếng và những cơ hội giáo dục sẵn có. Chúng tôi cũng đánh giá cao các đóng góp của những sinh viên Việt Nam xuất sắc và đầy nhiệt huyết mang lại trong thời gian học tập tại Hoa Kỳ.”
Thông báo của Tòa đại sứ Mỹ đồng thời cũng cho biết, Trung tâm tư vấn giáo dục Hoa Kỳ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng hỗ trợ nhiều hơn nữa các bạn sinh viên và các bậc phụ huynh tại Việt Nam trong quá trình tìm hiểu du học Hoa Kỳ để có những quyết định đầy đủ thông tin về các cơ hội du học Hoa Kỳ.



No comments:

Post a Comment