Pages

Tuesday, December 11, 2012

Việt Nam: Quốc tế hứa tài trợ 6,5 tỷ đô la, nhưng yêu cầu cải tổ ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội Reuter

Trọng Nghĩa

Kinh tế Việt Nam có nguy cơ lâm vào tình trạng trì trệ, trừ phi chính quyền cải tổ hệ thống ngân hàng đầy nợ và các công ty Nhà nước không hiệu quả. Trên đây là lời cảnh báo của các quốc gia và định chế tài trợ cho Việt Nam nhân hội nghị thường niên tại Hà Nội mở ra vào hôm qua, 10/12/2012. Tại cuộc họp này, các nhà tài trợ cũng cam kết giúp Việt Nam 6,5 tỷ đô la viện trợ phát triển cho năm 2013, giảm gần 1 tỷ đô la so với mức dự trù cho năm nay.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, hai nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam trong năm 2013 vẫn là Nhật Bản, với 2,6 tỷ đô la cam kết, và Liên Hiệp Châu Âu, với 743 triệu euro (tương đương với 963 triệu đô la).
Số tiền 6,5 tỷ đô la cam kết cho năm 2013 sắp tới đã sụt giảm nhiều so với cam kết cho năm nay là 7,3 tỷ đô la. Đây là lần thứ ba liên tiếp mà khoản tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam bị hạ thấp, sau đỉnh cao kỷ lục của năm 2010 là khoảng 8 tỷ đô la.
Tuy vẫn tiếp tục giúp đỡ Việt Nam, các nhà tài trợ đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thúc đẩy công cuộc cải tổ hai lãnh vực yếu kém của nền kinh tế là khu vực ngân hàng và hệ thống xí nghiệp quốc doanh.
Đối với giới tài trợ quốc tế, Việt Nam phải mau chóng giải quyết vấn đề nợ xấu cải tiến cách quản lý các doanh nghiệp Nhà nước và các ngân hàng, đồng thời nâng cao mức độ minh bạch và công khai trong khu vực Nhà nước.
Sau một thập kỷ mở cửa lãnh vực ngân hàng một cách nhanh chóng và hỗn loạn, Việt Nam hiện có 42 ngân hàng nội địa, trong đó có nhiều ngân hàng bị tràn ngập nợ xấu đến từ các công ty Nhà nước quản lý kém cỏi và làm ăn không hiệu quả. Theo hãng AFP, vào năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã công bố những kế hoạch tái cơ cấu triệt để, nhưng công việc này đã bị đình trệ.
Nhận định chung về nền kinh tế Việt Nam, các nhà tài trợ quốc tế không tránh khỏi lo ngại trước chiều hướng tăng trưởng giảm tốc độ, với lạm phát gia tăng trở lại trong lúc đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng bớt đi.
Bà Victoria Kwakwa, giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cảnh báo : “Nền kinh tế Việt Nam đang mất rất nhiều sức năng động của mình… Bị các hạn chế về cơ cấu ràng buộc ngày càng chặt hơn, sức cạnh tranh và tăng trưởng của nền kinh tế đang bị kéo xuống ”.
Bà Kwakwa cũng lo ngại trước nguy cơ Việt Nam bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
________________

No comments:

Post a Comment