Pages

Sunday, December 9, 2012

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải làm lại từ đầu

Bóng đá  Việt Nam quay lại vạch xuất phát sau 12 mùa giải chuyên nghiệp ?
Bóng đá Việt Nam quay lại vạch xuất phát sau 12 mùa giải chuyên nghiệp ? ảnh: Reuters

Anh Vũ
Nghe 

RFI - Thất bại ê chề của đội tyển quốc gia tại giải AFF Cúp 2012 chưa qua, bóng đá Việt Nam lại rối tung trong nỗi lo giải cứu V-League, giải bóng đá chuyên nghiệp đang đứng trước nguy cơ rã đám bởi cuộc « bỏ của chạy lấy người » hàng loạt của các ông chủ đội bóng. Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF thì dường như vẫn bình chân trước những chỉ trích ngày càng mạnh của dư luận bóng đá.
Năm 2011, sau 10 mùa giải đi vào chuyên nghiệp, Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF tuyên bố một cách rất tự tin rằng bóng đá Việt Nam đã có thể kết thúc giai đoạn thử nghiệm để tiến lên chuyên nghiệp thực sự. Nhưng trớ trêu thay, đó chính lại là cái mốc bắt đầu cho một cuộc suy thoái mới, dẫn đến tình trạng đổ vỡ tràn lan như hiện nay.
Đi theo chuyên nghiệp là một hướng đi đúng và tất yếu của bóng đá Việt Nam. Không thể phủ nhận, các mùa giải V-League đã mang lại một diện mạo mới trong đời sống bóng đá của Việt Nam dù vẫn còn có những chệch choạc, sự cố trong nhiều mùa bóng. Hơn mười năm đi theo hướng chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã được đầu tư không nhỏ về tiền. Gần ba chục câu lạc bộ tham gia giải vô địch quốc gia (V-League) và giải hạng nhất, đã làm đời sống bóng đá ở Việt Nam bỗng trở nên sôi động.
Cách đây vài năm, người ta thấy các ông chủ doanh nghiệp giàu có đua nhau đổ tiền vào V-League, đầu tư cho mỗi câu lạc bộ một mùa bóng từ vài chục tỷ đồng lên đến cả trăm tỷ đồng. Các cuộc mua bán chuyển nhượng cầu thủ, lương thưởng cho đội bóng cũng nhanh chóng bị đẩy vào đua tranh cho một cuộc chơi các ông chủ.
Giờ đây, khi kinh tế vừa lâm vào khó khăn đình đốn, cuộc chơi ném tiền qua cửa số không thể được nữa thì người ta lại chứng kiến một cuộc tranh nhau tháo chạy khỏi sân cỏ của các ông chủ câu lạc bộ bóng đá Việt Nam. Kinh phí 10 tỷ đồng một năm để nuôi một đội bóng là một bài toán khó cho hầu hết các câu lạc bộ bóng đá ở Việt Nam trong lúc này. Các cầu thủ một thời lĩnh lương thưởng ở mức cao gấp hàng trăm, thâm chí hàng nghìn lần so với mặt bằng lương ở Việt Nam, nay bỗng rơi vào tình cảnh thất nghiệp, bán rẻ không có ai mua.
Sự cố đầu tiên là việc ông Nguyễn Đức Kiên, một ông bầu nổi tiếng vì cậy thế cậy tiền một thời, dính vào vòng lao lý. Việc bầu Kiên, chủ tịch 2 câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, cựu phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF, vừa thành lập đầu mùa bóng 2012, bị bắt giam, không chỉ khiến hai câu lạc bộ của ông phải giải thể, mà còn mở màn cuộc rút lui khỏi bóng đá của các ông chủ.
Bầu Nguyễn Quang Hiển, chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn T&T, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), từng nhiều năm không tiếc tiền bỏ ra nuôi hai đội bóng hàng đầu của giải V-league là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng, cũng tuyên bố thoái tòan bộ vốn khỏi hai câu lạc bộ do ông làm chủ tịch.
Đến giờ, chính thức đã có 3 câu lạc bộ bị xóa tên khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, đó là hai đội bóng của bầu Kiên, CLB Navibank- Sài Gòn. Chưa hết, báo chí thể thao ở Việt Nam, trong những ngày này, liên tục đưa tin những câu lạc bộ từng một thời nổi đình nổi đám trong cuộc chơi V-Lealigue như Vissan Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành, cũng đang rơi vào tâm bão tài chính và tính chuyện bỏ cuộc.
Trước tình cảnh bi đát của bóng đá chuyên nghiệp vì thiếu người chơi, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF vừa họp hôm 08/12 thông qua quyết định : V-League 2013 sẽ có 12 đội tham dự, thay vì 14 câu lạc bộ như trước. Giải hạng nhất có 10 đội. Cả hai giải đấu đều không có đội xuống hạng, đội vô địch hạng nhất được lên V-League mùa bóng tới. Ngoài ra, VPF còn đề xuất để đội tuyển U22 của Việt Nam tham dự V-League 2013. Những ý tưởng của VPF càng chứng tỏ sự lúng túng bất lực và nguy cơ đổ vỡ của bóng đá chuyên nghiệp là khó có thể tránh khỏi.
Có thể mùa giải V-League 2013 sẽ được giải cứu và vẫn phải diễn ra, nhưng sau đó, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam rồi sẽ đi về đâu ? Có lẽ đó là câu hỏi dành cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Bộ máy quản lý bóng đá Việt Nam này, từ bao nhiêu năm qua, vẫn bị dư luận chỉ trích là bất tài, không có khả năng vạch ra định hướng cũng như quản lý vận hành nền bóng đá chuyên nghiệp.
Theo nhà báo thể thao Minh Hùng, tại Sài Gòn, tình trạng rã đám của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã được dự báo trước từ vì bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không được xây dựng từ gốc, bị Liên đoàn thả nổi và đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần phải làm lại từ đầu. Nhà báo Minh Hùng cho biết :
« Tình trạng hàng lọat các ông bầu rút khỏi bóng đá, đó là điều được báo trước cách đây từ 3 đến 5 năm. Nền bóng đá Việt Nam gọi là chuyện nghiệp được xây dựng trên nền tảng như quả bong bóng xì hơi…. Hiện tượng bong bóng xì hơi này là do các ông bầu thiếu nguồn tài chánh để có thể nuôi bóng đá, hoặc là do nên bóng đá có
quá nhiều vấn đề phức tạp và các ông bầu nản chí, không muốn tham gia bóng đá nữa.
Tôi nghĩ rằng điều này đặt ra cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF trách nhiệm về vấn đề định hướng phát triển cũng như là quản lý bóng đá ở Việt Nam. Vấn đề cũng đặt ra cho chúng ta hiện nay là bóng đá Việt Nam nên xây dựng lại như thế nào. Tại vì hiện tại, bóng đá Việt Nam được xây dựng trên một nền cát không có móng, vì vậy, chỉ cần một cơn sóng, lập tức cả nền tảng xây dựng bóng đá của Việt Nam đều trôi ra biển. Tôi nghĩ rằng bóng đá Việt Nam hiện nay cần phải làm lại, xóa đi và làm lại ….. »
____________________

No comments:

Post a Comment