Pages

Sunday, December 2, 2012

Ngư dân Việt Nam là đối tượng chính của quyết định chận bắt tàu thuyền tại Biển Đông

Bản đồ yêu sách chủ quyền (đường chấm đỏ) của Trung Quốc tại  Biển Đông
Bản đồ yêu sách chủ quyền (đường chấm đỏ) của Trung Quốc tại Biển Đông

Trọng Nghĩa
Bị các nước láng giềng và Hoa Kỳ chất vấn trên quyết định của tỉnh Hải Nam sẽ trao cho lực lượng biên phòng quyền chặn giữ tàu thuyền xâm nhập trái phép vùng Biển Đông mà Trung Quốc tự nhận là thuộc chủ quyền của mình, Bắc Kinh đã lên tiếng thanh minh, cho rằng quyết định đó không cản trở quyền tự do hàng hải trong vùng. Thế nhưng, một quan chức tỉnh Hải Nam đã công khai thừa nhận ý đồ của quyết định đó là tăng cường năng lực khống chế các quần đảo nằm bên trong đường lưỡi bò, với ngư dân Việt Nam là đối tượng bị nhắm trước tiên.


Theo nhật báo Mỹ The New York Times, số ra ngày hôm qua, 01/12/2012, trong một cuộc phỏng vấn dành cho phái viên tờ báo tại Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, ông Ngô Sĩ Tồn, Tổng giám đốc Sở Ngoại vụ của tỉnh này xác nhận rằng các quy định mới sẽ được áp dụng kể từ đầu tháng Giêng năm 2013 trên toàn bộ các hòn đảo nằm rải rác trên Biển Đông và các lãnh hải xung quanh.
Đó là hàng trăm hòn đảo hay bãi đá ngầm hoặc nổi, thuộc các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa nằm bên trong tấm bản đồ ‘lưỡi bò’ mà Bắc Kinh đang sử dụng để khoanh vùng thuộc chủ quyền Trung Quốc ngoài Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền trên một số đảo của các láng giềng, từ Việt Nam, Philippines, cho đến Malaysia, Brunei.
Quan chức tỉnh Hải Nam này giải thích là với quyết định mới đó, lực lượng công an biên phòng chỉ được phép chặn giữ, lên tàu lục soát và trục xuất các tàu thuyền ngoại quốc, nếu các chiếc tàu này có hoạt động phi pháp và ở bên trong khu vực lãnh hải 12 hải lý chung quanh các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Thế nhưng nhân vật này không ngần ngại nói rõ : “Phạm vi áp dụng bao trùm toàn bộ các hòn đảo hay bãi đá nằm bên trong đường chín đoạn và các vùng biển lân cận”.
Xin nhắc lại từ ngữ “đường 9 đoạn” chỉ tấm bản đồ lưỡi bò, vẽ ra từ thập niên 1940 dưới thời Quốc dân đảng, xác định chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc trên hơn 80% Biển Đông. Từ năm 2009, tấm bản đồ này được Bắc Kinh dùng làm cơ sở cho các yêu sách hiện tại của Trung Quốc. Một số quốc gia láng giềng đã cực lực chỉ trích Bắc Kinh sau vụ Trung Quốc vừa cho in tấm bản đồ này trên hộ chiếu mới của họ. Không chỉ thế, Việt Nam còn từ chối đóng dấu thị thực nhập cảnh vào loại hộ chiếu “lưỡi bò” này, mà chủ trương cấp visa rời cho khách Trung Quốc đến Việt Nam.
Chính Việt Nam là đối tượng đầu tiên bị Trung Quốc nhắm tới qua quyết định của tỉnh Hải Nam trao quyền khám soát tàu ngoại quốc cho lực lượng biên phòng.
Quan chức tỉnh Hải Nam Ngô Sĩ Tồn đã công khai khẳng định với báo New York Times là mục tiêu trước mắt của quyết định mới này là nhằm đối phó với điều mà ông gọi là hoạt động bất hợp pháp của tàu đánh cá Việt Nam trong vùng biển xung quanh đảo Vĩnh Hưng (mà Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm), thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi được Trung Quốc gần đây chọn để đặt trụ sở thành phố Tam Sa, đơn vị hành chánh cai quản toàn bộ Biển Đông, cũng như bản doanh đơn vị quân đội đồn trú trong vùng.
Sau khi đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền miền Nam Việt Nam vào năm 1974, Trung Quốc đã không ngừng xác lập tình trạng đã rồi, bất chấp các phản đối của Việt Nam. Một trong những hành động được Trung Quốc áp dụng xuyên suốt trong thời gian gần đây là chận bắt, đánh đuổi, tịch thu, thậm chí đâm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam đến đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa, vốn là ngư trường truyền thống của dân miền Trung Việt Nam.
Theo báo New York Times, các láng giềng của Trung Quốc đang tố cáo việc Bắc Kinh sử dụng đảo Vĩnh Hưng/Phú Lâm và “thành phố Tam Sa”, làm tiền đồn nhằm tiến xuống khống chế cả vùng Biển Đông.
Tuyên bố của lãnh đạo Sở Ngoại vụ Hải Nam có thể được cho là quan điểm của chính quyền trung ương tại Bắc Kinh. Lý do là vì ông Ngô Sĩ Tồn đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, trụ sở tại Hải Nam. Viện này là một trong những cơ quan tham vấn cho Chính quyền Trung Quốc về chính sách áp dụng tại Biển Đông.
______________________

No comments:

Post a Comment