Pages

Friday, December 21, 2012

Tàu hải giám Trung Quốc lại xâm nhập quần đảo Senkaku / Điếu Ngư

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
REUTERS/Chris Meyers/Files

Thanh Hà

Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc đến khu vực có tranh chấp chủ quyền biển đảo kể từ sau thắng lợi của đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản sau bầu cử Quốc hội. Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết, ngày 21/12/2012 Trung Quốc đưa ba tàu hải giám tiến vào sát khu vực quần đảo Senkaku / Điếu Ngư.

Đây là lần thứ 19 kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa một phần quần đảo Senkaku / Điếu Ngư vào tháng 9/2012 và là lần đầu tiên kể từ khi đảng Tự do Dân chủ thuộc khuynh hướng bảo thủ với chủ trương cứng rắn đối với Bắc Kinh vừa chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Theo các nhà quan sát, sự kiện tàu hải giám Trung Quốc tiến vào khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tại vùng biển Hoa Đông làm tiêu tan hy vọng quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh sẽ sớm được cải thiện.
Theo phân tích của giám đốc cơ quan nghiên cứu Á châu thuộc đại học Tokyo, ông Robert Dujarric, việc Trung Quốc phái tàu hải giám tới khu vực Senkaku/Điếu Ngư là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh « vẫn duy trì áp lực » với chính quyền sắp tới của Tokyo và Trung Quốc vẫn tiếp tục chủ trương "đối đầu".
Lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản, Shinzo Abe sẽ chính thức được chỉ định vào chức vụ Thủ tướng ngày 26/12/2012 sau khi đảng này đã giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc tuyển cử hôm 16/12/2012. Ngay từ hôm đầu tuần Thủ tướng tương lai Nhật Bản đã khẳng định « không thể đàm phán » về chủ quyền của Nhật đối với quần đảo Senkaku / Điếu Ngư.
Từ tháng 9 tới nay, căng thẳng trong quan hệ Nhật – Trung đã dấy lên sau khi chính quyền Tokyo quốc hữu hóa một phần trong số các hòn đảo thuộc Senkaku / Điếu Ngư. Cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Tokyo đã leo thang với việc máy bay tuần tra biển Trung Quốc bay qua không khu vực có tranh chấp chủ quyền biển đảo. Chính quyền Tokyo tố cáo Bắc Kinh lần đầu tiên xâm phạm không phận Nhật Bản. Để trả đũa, chính quyền Nhật đã sử dụng chiến đấu cơ F-15 để cảnh cáo Trung Quốc.
Trong bối cảnh căng thẳng nói trên, một số nhà bình luận nhận thấy rằng, cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều có chung một chiến lược : một mặt thì tỏ thái độ cứng rắn với đối phương, nhưng mặt khác, cả Tokyo lẫn Bắc Kinh đều bày tỏ thiện chí đối thoại. Thủ tướng Nhật tương lai, Shinzo Abe tuyên bố không có ý định để quan hệ song phương xấu đi thêm. Còn tại Bắc Kinh thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định là mong muốn « tiến tới một mối quan hệ ổn định » với chính quyền sắp tới của Nhật Bản.
________________

No comments:

Post a Comment