“Đồng tiền chúng ta không minh bạch, rót 10 nghìn tỉ về đâu không biết, trong khi nước ngoài người ta kiểm soát được ngay", ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh nói khi cho ý kiến về việc phòng chống tham nhũng hiện nay.
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra khi Quốc hội thảo luận tại tổ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.
Ít vụ án tham nhũng được xử lý đến nơi đến chốn (ảnh minh họa) |
Gửi hàng nghìn tỷ vào ngân hàng cũng không ai biết
ĐB Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) khẳng định, công tác xét xử loại tội phạm này vẫn còn nương nhẹ. Thực tế kiểm tra tại một địa phương, trong số 20 vụ xử lý tội phạm tham nhũng thì phần lớn xử dưới khung hình phạt; 30-50% hưởng án treo. Theo ĐB Ngưu, nguyên nhân là do tòa án quá quan tâm đến các điều khoản giảm nhẹ hình phạt như nhân thân tốt, lần đầu phạm tội. “Có nhân thân tốt mới được làm cán bộ, làm cán bộ mới có điều kiện tham nhũng, nên đây không nên xem là điều kiện để giảm án”, ĐB Ngưu nói.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) thẳng thắn đặt câu hỏi: “Qua kết quả thanh tra, kiểm toán, phát hiện hàng nghìn vi phạm về kinh tế, thu hồi chỉ vài phần trăm tiền, số còn lại đi đâu. Có thực tế là nhiều vụ án tham nhũng bị hành chính hóa, để lọt nhiều tội phạm. Nhiều vụ việc lớn phát hiện, nhưng đến khi xử thì “đầu voi đuôi chuột” như Vinashin, Vinalines… vì không phát hiện thấy có tham nhũng”.
Ông Đương cũng đề nghị: “Yêu cầu đặt ra hàng đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng là phải thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Chứ kẻ phạm tội cứ đi tù một thời gian rồi lại ra tù thì không ổn, tài sản nó vẫn còn”.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) thì cho rằng, với tội phạm tham nhũng, mới chỉ quan tâm tới chống mà chưa quan tâm tới phòng: “Chúng ta phòng ngừa chưa tốt. Tại sao tình hình thực tế như thế mà phát hiện ít (891 vụ, khởi tố 328 vụ). Cứ đến khi một vụ vỡ lở, chúng ta mới thấy hết sự khủng khiếp về quy mô của nó (số tiền bị mất, số người tham gia)...
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) thì khẳng định luôn, công tác PCTN chưa đi vào thực chất, vẫn nặng hình thức, đặc biệt là trong việc kiểm soát tài sản, nhất là của cán bộ công chức, viên chức: “Tôi là vụ trưởng, con tôi làm giám đốc ngân hàng, tôi có thể gửi hàng nghìn tỷ vào các ngân hàng mà không ai biết. Tôi cảm giác chúng ta vẫn làm những việc rất hình thức”, ông Quyền nói.
Tội phạm tài chính do cơ chế thiếu minh bạch
Tội phạm tội phạm tài chính, ngân hàng - dạng tội phạm mới cũng được các ĐB vạch mặt chỉ tên. ĐB Lê Đông Phong (TP.HCM) nhận định, tội phạm ngân hàng tài chính nảy sinh chủ yếu là do sơ hở trong quy định và quá trình quản lý. “Phải tái cơ cấu ngân hàng, đối mặt với nợ xấu ngân hàng, tất cả cũng có nguyên nhân sâu xa từ bất cập trong quy định, chính sách và quá trình điều hành quản lý của Ngân hàng Nhà nước, làm phát sinh ra các loại tội phạm tài chính, ngân hàng. Đó là do chúng ta không minh bạch trong quá trình tái cơ cấu ngân hang. Vụ bắt giữ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) là trường hợp điển hình. Mà tội phạm kinh tế thì thường có hành vi kéo dài và gây hậu quả rất ghê gớm”, ông Phong nói.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) cũng cho rằng, lỗi để tình trạng tội phạm tài chính, ngân hàng bùng phát là do công tác giám sát hệ thống ngân hàng chưa làm tốt hoặc chưa kịp thời. “Đồng tiền chúng ta không minh bạch, rót 10 nghìn tỉ về đâu không biết, trong khi nước ngoài người ta kiểm soát được ngay. Ta có hệ thống an ninh tiền tệ chuyên theo dõi vấn đề này nhưng không phát hiện ra, hoặc phát hiện mà không xử lý”, ĐB Ánh chỉ trích.
Mạnh Đồng
No comments:
Post a Comment