Pages

Monday, February 11, 2013

Con cái di dân thành công cao hơn trong xã hội Mỹ

HOA KỲ -Người dân Mỹ sinh ra trong các gia đình có cha mẹ là thành phần di dân thế hệ đầu, dù là thuộc chủng tộc nào, thường có mức độ thành công trong đời sống cao hơn các thành phần di dân khác, theo kết luận của một cuộc nghiên cứu vừa công bố tuần này. Theo bản tin của NYT.
(Hình minh họa: DanHuynh/NguoiViet)

Bản tin viết, cuộc nghiên cứu nhắm vào con cái của giới di dân trong các đợt nhập cư vào Mỹ diễn ra từ thập niên 60 và nay chính họ cũng ở vào tuổi trung niên, cho thấy họ đạt được các thành quả tốt đẹp hơn những người di dân sinh ra ở ngoại quốc trên nhiều lãnh vực của kinh tế và xã hội. Ðặc biệt, thành phần này vượt hẳn mọi nhóm khác trong dân số Mỹ về lãnh vực học hành. Kết luận này là một trong nhiều điều tìm thấy được trình bày chi tiết trong bản nghiên cứu dầy 130 trang của trung tâm nghiên cứu Pew Reseach Center, công bố hôm Thứ Năm và có lẽ là cuộc nghiên cứu kỹ càng nhất về con cái trưởng thành của những người di dân thời đại mới ở Mỹ. Cuộc nghiên cứu này dựa theo các dữ kiện của Sở Thống Kê Dân Số và các thăm dò cơ quan Pew thực hiện trong vài năm qua để đưa ra bản báo cáo gọi là “Bức Tranh về Con Cái Trưởng Thành của Người Di Dân-A Portrait of the Adult Children of Immigrants.”
Trong khoảng 36 triệu người thuộc thành phần này, có chừng 20 triệu người đã trưởng thành, và, theo bản báo cáo, họ ít khi nào bị lâm vào hoàn cảnh nghèo khổ so với thành phần sinh ra ở ngoại quốc hay toàn thể dân số Mỹ nói chung. Mức làm chủ căn nhà của họ cũng ngang bằng với thành phần người trưởng thành ở Mỹ nói chung.
Vẫn theo bản tin, về lãnh vực thành đạt học vấn, có khoảng 36% có được ít nhất bằng cử nhân, so với 29% của những người sinh ra ở ngoại quốc và 31% của tất cả mọi thành phần người lớn ở Mỹ.
“Trong mọi cách quốc gia chúng ta dùng để đo đạc sự thành công của người dân, thế hệ thứ nhì trong các gia đình di dân thường thấy có kết quả tốt đẹp,” theo lời ông Paul Taylor, phó giám đốc điều hành của trung tâm Pew Research Center.
Tuổi trung bình của thế hệ thứ nhì đã trưởng thành trong gia đình di dân là 38 tuổi, và nhóm này cũng có sự đặc biệt về hỗn hợp chủng tộc: không một nhóm chủng tộc nào chiếm đa số và tỉ lệ lập gia đình giữa những người khác chủng tộc màu da cũng hơn mức trung bình của cả xã hội Mỹ. Trong nhóm này, có 46% da trắng, 35% Hispanics, 12% Á Châu và 4% da đen.
Hơn 1/3 trong nhóm này sống ở vùng Tây nước Mỹ.
Kết quả nghiên cứu này được đưa ra trong lúc đang có cuộc tranh luận trên toàn quốc về nhu cầu cải cách chính sách di dân.
Căn cứ theo chiều hướng di dân và mức độ sinh sản, coi như tất cả sự phát triển về thành phần trong hạn tuổi lao động ở Mỹ từ nay đến năm 2050 sẽ ở trong nhóm di dân và con cái của họ.
Bản báo cáo của Pew cũng cho thấy một số chỉ dấu về sự hòa hợp xã hội của các gia đình di dân. Thí dụ như đại đa số người thế hệ thứ nhì trong gia đình di dân đều nói tiếng Anh, theo cơ quan Pew.
Người Hispanic và người Mỹ gốc Á Châu, vốn chiếm khoảng một nửa trong nhóm này, đặt tầm quan trọng cao nhất vào sự cố gắng làm việc và thành công trong sự nghiệp hơn là mọi thành phần khác trong xã hội Mỹ. Và họ cũng thường coi mình là “người Mỹ tiêu biểu.”
Trong suốt lịch sử Mỹ, thế hệ thứ nhì thường là thế hệ hội nhập và đạt thành quả trong lãnh vực kinh tế,” theo ông Taylor, “và chúng ta đang nhìn thấy điều này trong thời đại mới.” (L.T.)
____________

No comments:

Post a Comment