Thi hài cựu hoàng Sihanouk tại Phnom Penh
REUTERS/Samrang Pring
Nghe
Ngày 17/10/2012, thi hài của cựu hoàng Norodom Sihanouk đã từ Trung Quốc trở về xứ Chùa Tháp. Buổi lễ tiễn đưa giản dị tại Bắc Kinh đánh dấu đoạn kết một trong những giai đoạn lịch sử bi thảm từ chính trị, ngoại giao đến quân sự kéo dài hơn nửa thế kỷ tại Á châu mà Cam Bốt phải trả giá rất cao bằng xương máu và đổ vỡ.
Phát ngôn viên chính phủ Phnom Penh khẳng định có hơn 100 ngàn dân Cam Bốt đã ra tận phi trường đón tiếp thi hài « vua cha của dân tộc » trong chiếc quan tài phủ lá cờ vương quốc. Tuy hai lần liên kết với Khmer Đỏ nhưng Norodom Sihanouk vẫn được phần đông dân chúng xem là biểu tượng « thời huy hoàng của Cam Bốt độc lập » trước và sau ác mộng diệt chủng của chế độ Pol Pot, đàn em của Bắc Kinh.
Mang biệt danh là « thái tử đỏ », ông hoàng bí ẩn Sihanouk đã có một thời truy đánh phe cộng sản Khmer nổi dậy trong thập niên 1960. Đến khi bị lật đổ vào năm 1970 trong một vụ đảo chính tướng do tướng Lon Nol cầm đầu với đèn xanh của Washington, hoàng thân Sihanouk ngã theo Trung Quốc và chọn Bắc Kinh làm nơi trú ẩn. Tuy Mao Trạch Đông không yêu mến gì thành phần vương giả nhưng đã cưu mang ông hoàng Cam Bốt một cách rộng rãi và tặng cho một ngôi nhà sang trọng : sứ quán cũ của Pháp , « mẫu quốc » cũ của vương quốc Cao Miên.
Thái độ nồng hậu của Trung Quốc có một cái giá rất đắt. Chính miệng quốc vương Sihanouk sau này phải nhìn nhận, là đã « liên kết với với ác quỷ » Khmer đỏ. Cộng sản Campuchia là lá bài của Bắc Kinh trong chiến tranh Đông dương khi Maxtcơva đã nắm được Hà Nội và Vientiane.
Ngày 17/04/1975, quân Pol Pot chiếm Phnom Penh. Vào thời điểm này, có lẽ không một ai từ Sihanouk đến lãnh đạo Trung Quốc có thể dự đoán là một chính sách diệt chủng đang được chuẩn bị tại xứ Chùa Tháp.
Sau năm năm lưu vong tại Bắc Kinh, ông hoàng Sihanouk trở về Phnom Penh, không phải để lấy lại ngai vàng, mà là để bảo vệ chiếc ghế thành viên Liên Hiệp Quốc của Cam Bốt. Nửa năm sau, Khmer đỏ hiện nguyên hình, chiếc bẩy sập xuống, hoàng thân Sihanouk biến thành “tù nhân của Khmer đỏ” như ông ghi lại trong tập hồi ký cùng tên.
Theo báo chí Trung Quốc thì nhờ Chu Ân Lai đích thân can thiệp nên Pol Pot mới tha mạng cho cựu hoàng. Sự thực không phải là như vậy. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã qua đời vào năm 1976. Theo lời kể của chính Norodom Sihanouk, thì vào năm 1978, phu nhân của cố thủ tướng Chu Ân Lai là bà Đặng Dĩnh Siêu đến viếng Phnom Penh và đòi gặp thượng khách của chồng mình. Khmer Đỏ miễn cưỡng chấp thuận, cho Sihanouk ngồi trong một chiếc xe hơi cũ, chạy ngang cửa sổ nhà khách để phu nhân cố thủ tướng Trung Quốc nhìn thấy từ xa.
Pol Pot hiểu thông điệp của Bắc Kinh là không được giết vua. Đổi lại, cựu hoàng biết mình sẽ phải trả món “nợ sinh tử” với Trung Quốc. Pol Pot trả thù bằng cách hạ sát 5 người con trong số 14 người con của Sihanouk.
Ngày 07/01/1979, chế độ Khmer đỏ sắp bị sụp đổ. Bắc kinh đưa một chiếc máy bay sang Pnom Penh, khẩn cấp “bốc” Sihanouk sang Bắc Kinh vào lúc bộ đội Hà Nội đã tiến đến ngoại thành thủ đô Cam Bốt.
Trong bối cảnh chiến tranh lạnh đi vào giai đoạn gai gốc nhất trước khi chung cuộc, hoàng thân Sihanouk một lần nữa liên kết với Khmer đỏ chống lại đoàn quân chiếm đóng của Việt Nam.
Năm 1991, hiệp định hòa bình Paris được ký kết. Sihanouk chiếm lại ngai vàng cùng với Hun Sen, một chính trị gia thế lực, xuất thân từ hàng ngũ Khmer đỏ ly khai, đồng minh của Việt Nam, làm thủ tướng.
Nhưng tại một bệnh viện Trung Quốc, cựu vương đã trút hơi thở sau cùng vào ngày 15/10/2012 vừa qua vài tuần trước ngày sinh nhật 90 tuổi .
Cố quốc vương Cam Bốt tự cho mình là con người “tâm cơ khó đoán”? Đây cũng là nhận xét của giới phóng viên quốc tế và ngoại giao. Người dân Cam Bốt tha thứ cho ông đã liên minh với Khmer Đỏ. Nhưng liệu Cam Bốt có bị nạn diệt chủng và về chiến lược địa lý chính trị, liệu ngày nayTrung Quốc có “thọc sâu” bàn tay vào Đông Nam Á nếu trong quá khứ ông Sihanouk trung lập thực sự?
RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney.
“ Cựu hoàng Sihanouk là một nhân vật quan trọng của Cao Miên và của Đông Dương trong thê kỷ 20 nhưng di sản của ông để lại có nhiều tranh cãi. Ông là một nhà vua, một nhà chính trị hay thay đổi nhưng nhìn một cách tổng quát thì ông có hai điểm nổi bật: thứ nhất, Sihanouk là người thân Trung Quốc trước sau như một và được Trung Quốc giúp đỡ rất nhiều. Thứ hai là mặc dù phạm nhiều lỗi lầm nhưng ông được dân chúng mến mộ. Có lẽ nhờ sự mến mộ này mà ông tồn tại.
Cuộc đời ông trải qua nhiều giai đoạn nhưng trong giai đoạn ông làm quốc trưởng cho tới năm 1953 thì giới phân tích phương tây đánh giá tương đối cao khả năng của ông Sihanouk tranh đấu cho Cao Miên độc lập. Điều mỉa mai là không hiểu tại sao giới phân tích tây phương xem đây là một thành công quan trọng của ông Sihanouk mà không coi là quan trọng sự thành công của cựu hoàng Bảo Đại. Cựu hoàng Bảo Đại, hoàng thân Sihanouk và các hoàng thân Lào đều tranh đấu cho Việt Nam, Cam Miên và Ai Lao được độc lập năm 1949. Ba nước được quốc tế nhất là Hoa Kỳ, Anh công nhận vào tháng 02/1950. Úc cũng công nhận độc lập của Việt Nam, Lào và Cao Miên ngày 08/02/1950.
Vào năm 1965, vào lúc chiến sự Việt Nam sôi nổi thì ông Sihanouk ký mật ước với Bắc Kinh và Hà Nội cho phép bộ đội cộng sản và trung ương cục đóng tại miền đông Cam Bốt. Và cho phép Trung Quốc viện trợ vũ khí, đạn dược cho bộ đội Bắc Việt qua các hải cảng Cam Bốt đặc biệt là qua hải cảng Sihanoukville. Sihanouk đã theo Trung Quốc chứ không thực sự trung lập. Năm 1985, trả lời phỏng vấn báo Washington Post, ông Sihanouk nói là ông có một cơn ác mộng là Hà Nội “Việt Nam hóa Cam Bốt”, biến Cao Miên thành “miền nam Việt Nam thứ hai”. Nếu vậy thì tại sao hai mươi năm trước ông cho phép Hà Nội có hậu cần tại Cam Bốt để đánh phá miền nam Việt Nam. Vì nếu Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản thì sẽ mạnh hơn, sẽ uy hiếp Cao Miên dễ dàng hơn….”
No comments:
Post a Comment