Pages

Saturday, January 12, 2013

Vụ cưỡng hiếp tập thể làm thức tỉnh xã hội Ấn Độ

Cảnh sát lập hàng rào để đề phòng bạo động nhân vụ biểu tình tại New Delhi 30/12/2012 (REUTERS)
Cảnh sát lập hàng rào để đề phòng bạo động nhân vụ biểu tình tại New Delhi 30/12/2012 (REUTERS)
Tú Anh


Vụ một nữ sinh bị tài xế và 5 hành khách một chiếc xe buýt hãm hiếp và sát hại ngay tại thủ đô New Delhi vào giữa tháng 12/2012 đã làm dấy lên một phong trào phản kháng. Hàng loạt cuộc biểu tình huy động hàng ngàn người mà đa số là phụ nữ đòi nghiêm trị thủ phạm và nhất là phải chấm dứt tệ nạn xem nhẹ phụ nữ. Đây là một cuộc chiến dài hơi trong một xã hội mà hủ tục đẳng cấp bao trùm.
Cũng như những người trẻ khác cùng lứa tuổi và ở mọi nơi trên thế giới, vào buổi chiều ngày 16/12/2012, Jyoti Stingh Pandey, nữ sinh viên trường y khoa New Delhi, 23 tuổi, cùng với người bạn trai Awindra Panday, đi xem cuốn phim The life of Pi của đạo diễn Lý An vừa mới ra mắt. Nhưng đôi tình nhân sắp cưới này không thể ngờ một thảm nạn ghê gớm đang chực chờ. Không đón được xe « taxi ba bánh », hai người lên xe buýt trên đó đã có sẵn năm « hành khách » và người tài xế mà thật ra là một băng nhóm đang chuẩn bị quậy phá về đêm.
Cuộc bạo hành xảy ra khi cô sinh viên phản ứng lại những lời chọc ghẹo khiếm nhã của những kẻ không quen. Người thanh niên bị đánh, cô bạn gái bị băng đảng này dùng gậy sắt đánh đập và thay nhau hãm hiếp suốt hơn hai tiếng đồng hồ trước khi bị ném xuống đường. Hành vi thô bạo này cộng với phản ứng can thiệp chậm chạp của cảnh sát và thái độ vô tâm người qua đường đã gây ra một làn sống phẫn nộ trên khắp nước Ấn.
Sau ba cuộc giải phẫu, nạn nhân được đưa sang Singapore điều trị nhưng do các vết thương quá nặng, nạn nhân qua đời không đầy hai tuần lễ sau vào ngày 29/12/2012. Vụ án này đã gây ra những cuộc biểu tình dữ dội tại Ấn Độ và những phản ứng nghiêm khắc trên báo chí tạo ra hy vọng đưa quốc gia khổng lồ này vào một khúc quanh trong quan niệm đối với phụ nữ.
Tại Ấn Độ, trung bình mỗi 20 phút có một vụ hãm hiếp được trình báo với cảnh sát nhưng nhân viên công lực bị tố cáo rất thờ ơ. Cụ thể là vào đêm 04/01/2013, một thiếu nữ khác tại New Delhi cũng bị cưỡng hiếp tập thể và giết chết. Mặc dù công luận Ấn Độ đang bất bình, nhưng theo thân phụ của nạn nhân, cảnh sát đã tỏ thái độ vô tâm trước lời kêu cứu của ông khi không thấy con gái không về nhà sau giờ làm việc . Đến sáng hôm sau, xác nạn nhân được tìm thấy bên vệ đường. Lần đầu tiên, cơ quan cảnh sát bị trừng phạt với 4 nhân viên bị đình chỉ công vụ.
Thái độ thiếu lương tâm của một bộ phận cảnh sát phản ánh quan niệm cổ hủ của một xã hội mà truyền thống phân chia đẳng cấp đã bám rể từ ngàn xưa. Ngay con trai của tổng thống Ấn độ, dân biểu Abhijit Mukherji tuyên bố một câu bị lên án là vô tâm : « tôi thấy những người phụ nữ biểu tình bôi trét phấn son như những chiếc xe bị đánh cấp được sơn phết lại ».
Luật sư ML Sharma, bảo vệ cho một trong 6 bị cáo còn thẳng thừng đổ trách nhiệm cho cô nữ sinh nạn nhân : « đi đêm là có lỗi, ở Ấn Độ không có phụ nữ đáng kính nào bị cưỡng dâm ». Mohan Bhagwat, lãnh đạo một tổ chức dân tộc chủ nghĩa cực đoan còn lên tiếng đỗ lỗi cho « văn hóa đồi trụy Tây phương ». Lời tuyên bố này bị đảng Quốc Đại lên án là muốn kéo Ấn Độ trở lại thế kỷ 18.
Còn tại nông thôn nhất là ở vùng bắc Ấn , theo AFP, vụ án cưỡng hiếp tập thể có nguy cơ làm phụ nữ Ấn bị gia đình kiểm soát nghiêm khắc hơn có thể bóp nghẹt những ước mơ tự giải phóng bằng con đường học vấn bằng tinh thần tự lực.
Để tìm hiểu thêm về xã hội Ấn Độ và công cuộc đấu tranh dài hơi của phụ nữ, RFI đặt câu hỏi với ni sư Từ Tâm, sáng lập viên trường Trung tiểu học Tình thương tại Bodhgaya, Bồ Đề Đạo Tràng, ở miền bắc Ấn, cách thủ đô 1800 km, khoảng 16 giờ xe lửa.
Trường Tình thương do Ni sư Từ Tâm sáng lập được 10 năm tại Bồ Đề Đạo Tràng nơi cách nay 26 thế kỷ thái tử Sĩ Đạt Ta ngộ đạo. Từ một lớp, một thầy, 10 năm sau trường phát triển thành tiểu học, trung học với 670 học sinh nghèo không có cơ may đến trường. Nhiều học sinh đã lên đại học.
Ni sư cũng lập ra được một cơ sở y tế, có một bác sĩ và một y tá, mỗi ngày chăm sóc, phát thuốc cho từ vài chục đến dưới 100 bệnh nhân. Hiện nay, Ni sư đang xây thêm môt trường trung học thứ ba và xây một cây cầu bắt ngang con sông lịch sử của Phật giáo là Ni Liên thuyền để giúp dân và học sinh qua sông an toàn trong hai mùa mưa nắng. Quý thính giả hảo tâm có thể liên lạc với Ni sư qua địa chỉ e-mail : ttc_42yahoo.com
Ni sư Từ Tâm : « Điều này (vụ án) đi sâu vào chính trị của Ấn Độ mà với tư cách cá nhân và của người tu sĩ ở trên xứ người để tu tập và làm một vài công việc xã hội ở nơi đây thì không nên tham gia vào. Tuy nhiên, do RFI tìm hiểu thì tôi xin chia sẻ môt vài suy nghĩ riêng.
Người Ấn Độ đã có giai cấp từ ngàn xưa đến bây giờ và giai cấp và người nghèo thì luôn bị thiệt thòi…thì cô bé này cũng xuất thân từ một gia đình nghèo và cha mẹ cố gắng cho cô đi học và cô muốn vươn lên cho bằng những người thuộc xã hội cao hơn.
Nhưng mà có thể vì giai cấp, vì xã hội không muốn cô tiến cao hơn như họ nên mới xảy ra chuyện như vậy…. điều này đã làm nhục chí nhiều học sinh nghèo trong đó có những nữ học sinh của tôi… các học sinh này cố vươn lên, nỗ lực học tập để tìm cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng vụ ( án) này làm họ hơi chùn bước .
Tôi vẫn thường khuyên họ tự chủ, đừng lệ thuộc vào người khác, vươn lên bằng văn hóa để đời sống tốt đẹp hơn, cố gắng học hỏi đừng đi theo quan niệm người đi trước cho rằng người con gái chỉ cần biết đọc biết ký tên rồi lập gia đình, phục vụ gia đình… xã hội ngày nay đã đổi mới đã tiến nhanh thì mình phải tiến nhanh với người ta… các cháu nhục chí vì người Ấn Độ rất bảo thủ , họ cố nắm giữ những gì xa xưa họ đã có mà không chịu thay đổi theo nếp sống văn minh của những nước khác ».
___________

No comments:

Post a Comment