Pages

Wednesday, September 19, 2012

Lấy chồng người ta

Bộ phim "Lấy chồng người ta", vừa tham dự Liên hoan Toronto, sẽ công chiếu tại Việt Nam từ ngày 21/09/2012 (DR)
Bộ phim "Lấy chồng người ta", vừa tham dự Liên hoan Toronto, sẽ công chiếu tại Việt Nam từ ngày 21/09/2012 (DR)

Nghe 

Trọng Thành

RFI - Liên hoan phim quốc tế Toronto lần thứ 37, vừa kết thúc vào ngày chủ nhật 16/09/2012. Hơn 330 phim đến từ 64 quốc gia đã được trình chiếu. Phim « Lấy chồng người ta » của Đạo diễn Lưu Huỳnh là bộ phim duy nhất của Việt Nam được mời tham dự Liên hoan. « Lấy chồng người ta » đã được công chúng yêu điện ảnh Việt Nam gửi gắm nhiều hy vọng tại một trong các festival điện ảnh có uy tín nhất thế giới này.

Giải thưởng cao nhất thuộc về bộ phim « Silver Linings Playbook » của đạo diễn người Mỹ David Russell. Đây là thành công được cho là mang lại cho bộ phim cơ hội đoạt giải Oscar của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ. Dù không đoạt giải thưởng, « Lấy chồng người ta » của Lưu Huỳnh đã được công chúng tại Toronto đón nhận nồng nhiệt.

Khác với bộ phim nổi tiếng « Áo lụa Hà Đông » mang dáng vóc sử thi, nói về số phận chìm nổi của một gia đình nghèo gắn liền với lịch sử Việt Nam hiện đại đầy đau thương mất mát, đã từng nhận được giải thưởng của Liên hoan phim quốc tế Pusan (Hàn Quốc) năm 2008, « Lấy chồng người ta » chỉ tập trung vào một cảnh ngộ éo le rất đời thường, nhưng đầy kịch tính, của một cặp vợ chồng, mà người chồng bị mắc chứng vô sinh, và người vợ phải tìm cách có con với một người khác...

Cho dù không gian và thời gian của câu chuyện trong « Lấy chồng người ta » hẹp hơn rất nhiều so với « Áo lụa Hà Đông », Đạo diễn Lưu Huỳnh vẫn tiếp tục theo đuổi nỗi ám ảnh không ngừng của ông về thân phận của người phụ nữ Việt Nam, vẻ đẹp và sự cao thượng của người phụ nữ trong những hoàn cảnh hết sức bi thảm. Bộ phim tình cảm « Lấy chồng người ta », với các phong cảnh sông nước được quay hết sức công phu và nhiều tình tiết gay cấn, đặt người xem đối diện với những câu hỏi về tình yêu và sự hy sinh, về nỗi cam chịu và ý thức phản kháng, về sự cao cả và những tối tăm trong tâm hồn con người...

Dưới đây là phần phóng sự, do nhà báo Việt Tiến thực hiện tại Toronto (Canada), về các phản ứng của khán giả Toronto, sau khi thưởng thức bộ phim của Đạo diễn Lưu Huỳnh.





Ngày 21/09 tới, « Lấy chồng người ta » sẽ chính thức công chiếu tại Việt Nam. Chúng tôi có may mắn được trò chuyện với Đạo diễn Lưu Huỳnh ngày hôm qua, và được ông chia sẻ những cảm xúc và tâm sự về bộ phim, nhân việc phim được mời tham gia Liên hoan Toronto và đặc biệt là có cơ hội chuyển đến quý vị những thông điệp mà đạo diễn gửi gắm qua tác phẩm điện ảnh này. Sau đây là phần trả lời phỏng vấn Đạo diễn Lưu Huỳnh từ Sài Gòn.



RFI : Xin ông cho biết cảm tưởng của ông về việc « Lấy chồng người ta » được mời tham dự Liên hoan phim quốc tế Toronto ?

Lưu Huỳnh : Được đi dự Liên hoan phim Toronto là một niềm vui với chúng tôi. Thực sự là mọi người khi làm phim thì không có mục đích... Nhưng khi đại diện phát hành của BHD xem xong, họ thích thì họ yêu cầu gửi đi. Bên này cũng gửi đi, không ngờ lại được tuyển vào, thì cũng là một vinh dự riêng cho cá nhân người làm phim, mà cũng là cho điện ảnh Việt Nam. Rất tiếc hôm nay nói chuyện với anh, thì (phim) không đoạt được giải ấy rồi. Nếu có được thì cũng vui…

Những phim trước tôi làm, như Áo Lụa Hà Đông, cũng có đi dự thi Liên hoan Quốc tế, và cũng thắng được ở chỗ này, chỗ kia. Cái phim này mình làm, ngược lại, có tính cách thương mãi nhiều hơn là nghệ thuật. Không ngờ lại lọt được vào một liên hoan phim lớn như thế này, thì cũng hơi bất ngờ.

Đoàn phim không tham gia đi sang bên đó, mặc dù người ta có gởi vé máy bay, khách sạn, giấy mời về đây, nhưng lúc đó phim chưa được duyệt, vì nhiều đoạn phim, ở Việt Nam gọi là « cảnh nóng », hay là bạo lực nhiều quá, thì vẫn còn đang tranh đấu để giữ được những ý tưởng đó cho phim. Vì bản gốc thì chiếu ở Liên hoan phim, bản chiếu ở Việt Nam khác đi chút xíu, bị cắt đi vài phút. Mình rất là đau xót. Lúc đó không muốn đi, vì đi thì cứ nghĩ, người bên kia được xem đứa con tinh thần của mình, mà còn ngay cả nước nhà của mình mà còn không được xem. Lúc đó đang còn đắn đo suy nghĩ, tìm cách thuyết phục Hội đồng kiểm duyệt, nhưng mà cuối cùng không được, thành ra tôi quyết định không đi, diễn viên cũng quyết định không đi luôn. Thành ra không có ai bên đó, ngoại trừ đại diện phát hành BHD thôi.

Làng nổi La Ngà : Phong cảnh Việt Nam trong mắt người xa xứ

RFI : Báo chí giới thiệu về bộ phim và những khán giả, sau khi xem phim, chia sẻ cảm nhận, khen ngợi cảnh tượng sông nước trong phim và hình thức của các diễn viên, đồng thời bộ phim nói đến một hoàn cảnh éo le. Không biết rằng, đó có phải là những cái đích mà ông hướng đến không ?

Lưu Huỳnh : Như tôi cũng đã từng sống ở nước ngoài nhiều rồi, về Việt Nam sống mười mấy năm nay, lâu lắm rồi chưa về bên Mỹ, về Pháp cũng đến hơn 20 năm rồi. Thành ra, có lẽ mình đã sống ở nước ngoài rồi, khi thấy những cái cảnh sông nước hữu tình, mình thấy nó đẹp, mà có thể những người Việt Nam sống ngay tại những vùng đất này không cho là đẹp.

Thực sự, khi quay bộ phim này, tôi thấy đây không phải là một bộ phim « bom tấn », như thường gọi ở Việt Nam để chi phim chi phí nhiều. Ngoài ra, tôi cũng lựa chọn bối cảnh thích hợp để quay, rồi nó cũng phải tùy thuộc vào kịch bản. Kịch bản này cũng đơn giản, chỉ nói về một gia đình ba nhân vật mà thôi, quây quần xung quanh làng nổi La Ngà, nằm ở gần Đà Lạt, chứ không nằm ở dưới miền Nam đâu.

Địa điểm này là một cái hồ thủy điện, là một cái vùng của những người nghèo khổ từ đồng bằng sông Cửu Long di cư lên. Người ta sống bằng nghề đánh cá và nuôi cá. Ở đây có hai làng nhỏ. Một làng gọi là làng « Việt Kiều », là những người Việt sống ở Biển Hồ Cam Bốt, bằng nghề đánh cá, không có nhà cửa, không có đất. Họ xây nhà bè trên sông hồ, nhưng vì nhiều lý do họ phải trôi dạt về làng nổi La Ngà này. Thành ra mà có làng Việt Kiều này. Tuy gọi là Việt Kiều, nhưng rất nghèo. Đây là một địa điểm rất lạ. Nó có hai mùa, nước đầy thì người ta nuôi cá, nước cạn thì người ta về tập trung ở một chỗ. Thấy cái khung cảnh như vậy thì (tôi) bắt đầu nghĩ ra một kịch bản. Nội dung thì cũng đơn giản.

Lý do mà Liên hoan Toronto chọn có lẽ là vì phim dùng một ngôn ngữ quốc tế, nếu như ai không hiểu được tiếng Việt của mình, thì người ta xem tạm gọi như là phim câm, người ta cũng có thể cảm được.

Nữ nhân vật chính : Từ nạn nhân trở thành « anh hùng »

RFI : Dường như tâm sự của bộ phim xuyên suốt qua nhân vật nữ, nhân vật chính, là chủ yếu ?

Lưu Huỳnh : Vâng, (phim) nói lên sự hy sinh của người phụ nữ, khao khát muốn chồng mình có một đứa con, mà ông chồng lại vô sinh, thành ra đành chấp nhận, dấu chồng, ăn nằm với người đàn ông khác, để chồng mình có một đứa con, chồng mình được làm cha. Khi người cha của đứa bé kia qua đòi lại đứa con, thì ông chồng phát hiện : Té ra đứa con mình nuôi mấy tháng nay không phải là đứa con của mình. Nhưng ông vẫn thương nó và nuôi nó như con ruột của mình. Còn cha ruột lại là một người đàn ông bạo lực, hành hung gia đình, thì dù đấy là con của mình, nhưng lại không có tư cách của một người cha. Ngược lại, người đàn ông không phải là cha đẻ lại thương nó như cha ruột. Cái mâu thuẫn là ở chỗ đó.

RFI : Và người phụ nữ ở đây ở trong tình trạng khó xử nhất có phải không ?

Lưu Huỳnh : Đúng vậy, đầu phim mà nếu anh xem, anh sẽ thấy nữ diễn viên chính là một nạn nhân, cuối phim cô này trở thành một người, giống như một « anh hùng ».

RFI : Ông nói « anh hùng » có nghĩa là sao ?

Lưu Huỳnh : Trong một bộ phim action (phim hành động), « anh hùng » có nghĩa là người giải quyết mọi chuyện, thì câu chuyện này cũng giống như thế. Cái chuyện này cô ta gây ra, thì cô ta phải giải quyết chuyện này.

RFI : Xin hỏi ông thêm một câu. Một khán giả có cảm nhận là xem phim này, thì phần đầu giống như một bộ phim xã hội, nhưng phần kết thì lại giống một phim « kinh dị ». Ông nhận xét gì về điều này ?

Lưu Huỳnh : So với phim này, gọi là kinh dị thì không chính xác lắm. Phim này có thể gọi là thriller, giống như hơi « hồi hộp » một tý xíu. Người đàn ông bạo lực, người chồng bạo lực đòi lại đứa con của mình. Đây là một phim tâm lý có hơi hướng của dòng phim suspense, giống như của Alfred Hitchcock thời xưa. Gần 30 phút cuối, tiết tấu nhanh hơn, có thể nói là hơi thương mãi hơn chút xíu cho hấp dẫn người xem.

Chứ còn thật sự mà nói, gọi đây là phim nghệ thuật thì cũng không hẳn… Mình chẳng biết định nghĩa phim nghệ thuật là như thế nào. Nếu anh sống ở Pháp, anh biết, phim nghệ thuật mang nặng triết lý, văn học, trừu tượng, xem phải nặng đầu, nặng óc suy nghĩ. Mỹ đại khái cũng có dòng phim ấy, nhưng triết lý của Mỹ thì nó hơi thực tế hơn triết lý của Âu Châu. Bên nào hay hơn bên nào thì mình không có bàn đến vấn đề đó…

Khi khán giả là người trong cuộc...

RFI : Không biết rằng, có lần ông hay các nhà báo ở Việt Nam có dùng chữ « phim đời » để nói về bộ phim này.

Lưu Huỳnh : Thứ nhất là vì đời là nó gần gũi với đời sống, nó không phải là một bộ phim mang tính chất fancy, bay bổng. Chuyện này thực sự đối với Việt Nam rất là phổ biến.

Ở Việt Nam, khán giả gán cho mình cái danh là phim nghệ thuật, kén người xem. Thành ra mình không cho (Lấy chồng người ta) là phim nghệ thuật. Đây chỉ là một phim tình cảm bình thường, mà ai cũng có thể hiểu được, để muốn chia sẻ với người phụ nữ nằm trong những hoàn cảnh này. Người ta sẽ làm gì, nếu chuyện này xảy ra.

Anh cứ hình dung là, mình đặt mình là người trong cuộc. Cứ nghĩ rằng, mai kia những đứa con mình nuôi nấng nó lên, mà phát hiện ra không phải là con của mình. Rồi liệu mình còn yêu thương nó nữa hay không ? Trong phim này cũng như thế. Khi người cha đẻ qua đòi lại đứa con, thì người cha nuôi vẫn nói (với vợ) một câu là : « Đứa con này là con của anh ». Rồi còn cái tính nhân văn của người vợ hy sinh cho chồng. Một mặt khác, (phim) cũng nói lên việc người cha ruột đối xử với người mẹ của con mình… Mỗi người mang một biểu tượng của cuộc sống rất là đời. Ai cũng có thể cảm nhận được, nếu như đặt mình trong hoàn cảnh ấy thì mình sẽ xử sự như thế nào.

Đây là câu hỏi chờ người xem trả lời, nếu như mình là người trong cuộc.

RFI : Xin chân thành cảm ơn Đạo diễn Lưu Huỳnh.



Kiểm duyệt khắt khe làm giới hạn sáng tạo của người làm phim

Đạo diễn Lưu Huỳnh : Làm phim ở Việt Nam, anh biết, cái phần kiểm duyệt rất là gắt gao, rất là khó. Thành ra khi làm ra được phim thì phải trải qua rất nhiều giai đoạn, nhất là những người Việt Kiều như tôi, hoặc những người ngoại quốc khác vào đây.



Trước tiên là phải có kịch bản gửi cho Hội đồng duyệt quốc gia ở ngoài Hà Nội, người ta xem. Thứ nhất là lý lịch của mình, nếu mình có thành tích tốt ở đây, thì ok. Rồi sau đó người ta kiểm duyệt kịch bản, nếu kịch bản viết ra không có vấn đề về chính trị, hay phản ảnh về đời sống xấu của dân tộc Việt Nam, thì cho phép quay, rồi khi chuẩn bị đi quay, thì có một người ở đây gọi là A.25, bên bộ phận (công an) văn hóa, đi theo để họ xem xem đạo diễn có làm giống như kịch bản đã gửi cho nhà nước duyệt hay không. Nếu không làm đúng như vậy, thì người ta sẽ không cho. Hoặc khi ra phim trường, mình có cảm hứng gì mà mình sáng tạo thì mình phải hỏi người ta trước. Thì sau khi người ta cho rồi mình mới được quay. Rồi sau đó, khi tác phẩm hoàn chỉnh rồi, phải gởi cho nhà nước xem, nhà nước kiểm duyệt xem mình có làm giống kịch bản hay không. Thành ra, nó ra một công đoạn rất phức tạp.

Đôi khi sự khắt khe cũng làm giới hạn sự sáng tạo của người làm phim. Nhưng mà mình ở đâu mình cũng phải chịu.

1 comment: